Điểm đến của sự tin yêu

15/02/2025 05:52 PM


Sau 30 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) theo mô hình phân tán, ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 19 - CP về việc thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các tổ chức thực hiện BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh & Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý Quỹ BHXH và thực hiện các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật của Nhà nước.

Ngày 15/6/1995, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ký ban hành Quyết định số 10-QĐ/TCCB thành lập BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là BHXH thành phố Huế) trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh. Ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển giao tổ chức bộ máy và nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT, từ BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Tháng 01/2003, BHXH Thừa Thiên Huế tiếp nhận tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của BHYT Thừa Thiên Huế chuyển sang. Từ đây, BHXH Thừa Thiên Huế thực hiện toàn diện chính sách BHXH, BHYT cho Nhân dân và người lao động trên địa bàn tỉnh.

Trong 30 năm thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), toàn thể công chức, viên chức, nhân viên qua nhiều thế hệ thuộc BHXH thành phố Huế luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn một cách xuất sắc, đưa chính sách BHXH, BHYT, BHTN vào cuộc sống của Nhân dân.

mục tiêu an sinh xã hội

Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước. Trong hệ thống an sinh xã hội, BHXH, BHYT là trụ cột chính, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, một công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở địa phương, với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, trong 30 năm qua, BHXH thành phố luôn thực hiện tốt việc giải quyết chi trả các chế độ BHXH, BHTN theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn về tiền mặt, kịp thời, đầy đủ cho người thụ hưởng. Số người nhận chế độ BHXH tăng nhanh hàng năm. Năm 1995, BHXH thành phố giải quyết chế độ BHXH cho 152 người thì tới năm 2024 đã tăng lên 93.464 người, tăng gấp 615 lần. Số tiền chi trả các chế độ BHXH năm 1995 là 15.724 triệu đồng, đến năm 2024 là 6.383.527 triệu đồng, tăng gấp 406 lần. Năm 2010 giải quyết cho 1.549 người hưởng BHTN thì đến năm 2024 là 10.645 người, tăng gấp 7 lần.

Công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT chặt chẽ, đúng quy định. Năm 1995 có 97,3 nghìn lượt bệnh nhân khám chữa bệnh (KCB) BHYT với chi phí gần 3 tỷ đồng thì đến năm 2024 tăng lên gần 2,5 triệu lượt bệnh nhân với tổng số chi phí gần 2.947 tỷ đồng. Từ năm 2017, cơ quan BHXH đã triển khai phương pháp giám định BHYT dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT, kết nối dữ liệu liên thông với các cơ sở KCB BHYT để thực hiện quản lý KCB BHYT. Từ năm 2021, người dân sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số trong khám chữa bệnh BHYT mang lại nhiều tiện ích như nhanh, gọn, chính xác...

Quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm tốt do mạng lưới KCB BHYT được mở rộng đến toàn bộ Trạm Y tế cấp xã với bác sĩ phủ kín 100% và nhiều bệnh viện đã có đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật cao. BHXH thành phố đặc biệt quan tâm củng cố và phát triển mạng lưới KCB BHYT của y tế tư nhân. Năm 2009, có 06 đơn vị tư nhân đến năm 2024 có 18 đơn vị y tế tư nhân trong đó có 01 bệnh viện đa khoa, 01 bệnh viện chuyên khoa và 16 phòng khám đa khoa.

Bên cạnh việc chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, BHXH thành phố Huế cũng đảm bảo quyền lợi cho người tham gia thông qua tăng cường công tác cải cách hành chính. Trong đó,đẩy mạnh cải cách TTHC, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục, giấy tờ, hồ sơ, biểu mẫu, thời gian thực hiện; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ TTHC nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Đến năm 2019, bộ TTHC của ngành BHXH được cắt giảm xuống còn 27 thủ tục và từ năm 2021 còn 25 thủ tục.  Triển khai nhiều phần mềm quan trọng như quản lý thu, sổ thẻ, xét duyệt chính sách, giám định BHYT, giao dịch điện tử, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả quản lý.

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), BHXH thành phố đã kết nối CSDL quốc gia về dân cư, xác thực 1,17 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm 99,68% tổng số người tham gia. Toàn Thành phố có 187/187 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân với hơn 1,17 triệu lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp. Số lượng người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN đã cài đặt ứng dụng VssID là 408.309 người, đạt 34,77%. Tiếp tục phối hợp Ngành Y tế, Công an triển khai thí điểm Hồ sơ sổ sức khỏe điện tử.  

“Điểm tựa” vững chắc cho mọi người dân

Việc bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT đã góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với chính sách. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ chế, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, đồng bộ theo hướng gia tăng quyền, lợi ích của người tham gia, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân trước những biến cố, rủi ro, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Luật BHXH, BHYT liên tục được sửa đổi theo hướng mở rộng, gia tăng quyền lợi, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương cùng sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của BHXH thành phố Huế đã tạo “điểm tựa” an sinh vững chắc, người dân ngày càng tin tưởng, hài lòng. Các kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định sâu sắc hơn giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT; giúp Nhân dân và người lao động ngày càng yên tâm, tin tưởng, tích cực tham gia.

Năm 1995, toàn tỉnh có 34,8 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc thì đến năm 2024 tăng lên 141,5 nghìn người, tăng gấp 4,06 lần. Năm 2008 có 40 người tham gia BHXH tự nguyện, đến hết năm 2024 là 31.658 người, tăng gấp 791,5 lần. Năm 2009 có 62,2 nghìn người tham gia BHTN đến hết năm 2024 là 133,3 nghìn người; tăng gấp 2,14 lần.

Sau 30 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT, 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”, BHXH thành phố Huế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhân dân càng ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT là một trong những yếu tố góp phần giảm nguy cơ đói nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Năm 1995, có 125,9 nghìn người tham gia BHYT thì đến đến hết năm 2024 là 1,17 triệu người; tăng gấp 9,3 lần. Số người tham gia BHYT toàn thành phố đạt tỷ lệ 99,31% dân số (vượt 4,11% so với chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 và cao hơn so với bình quân chung của cả nước).

Có thể khẳng định, trong 30 năm xây dựng và phát triển BHXH thành phố Huế thực sự là điểm đến đáng tin tưởng của nhân dân và người lao động. Những kết quả đạt được ấn tượng từ công tác đảm bảo quyền lợi người tham gia, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số đến mở rộng diện bao phủ là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực bền bỉ của BHXH thành phố Huế thời gian qua. Trong bối cảnh mới, với thách thức và cơ hội đan xen, BHXH thành phố Huế sẽ tiếp tục giữ vững sứ mệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh bền vững cho mọi người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.